Đọc và viết trong thời "AI"
Viết để hiểu, để biến kiến thức thành của mình. Đọc với sự kiên nhẫn và nghiền ngẫm, bản thân sẽ thấy chính mình trong câu chuyện.
Xin chào mọi người,
Chúc mọi người có một khởi đầu năm mới thật tốt và trọn vẹn, trong những ngày vừa qua có rất nhiều điều xảy ra đối với mình và khiến mình thấy rất hạnh phúc. Được ở cạnh gia đình để tâm sự, chuyện trò từ sáng đến đêm, dành thời gian để chiêm nghiệm lại về bản thân trong suốt một năm vừa qua.
Và mình tin rằng sau dịp tết này tuy cảm giác sẽ hơi nhanh một chút, nhưng chúng ta cũng đã có một năng lượng tốt và sẵn sàng trở lại cho những hành trình tiếp theo. Ở trong bài đọc này chúng ta sẽ cùng nói với nhau về việc đọc và viết trong thời đại “AI” Một thời đại mà cứ mở báo lên là sẽ thấy từ khoá ở khắp mọi mặt trong tờ báo.
Bài viết sẽ đi qua:
Mù chữ thời “AI”
Vì sao kỹ năng đọc và viết vẫn rất quan trọng?
Lời kết
Một vài bài đọc và tin hay trong tuần
Mù chữ thời “AI”
Mỗi ngày đi học, đi làm hay chỉ đơn giản bước ra đường, mình đều nghe mọi người nhắc đến đủ thứ từ khóa như Gen AI, ANI, AGI, AI agents… Và mới đây, Sự xuất hiện của DeepSeek từ Trung Quốc vừa ra mắt và đang trong hành trình bắt kịp OpenAI khi độ nóng vẫn chưa hạ nhiệt. Ngay sau đó, Alibaba bất ngờ tung ra Qwen 2.5 đúng dịp Tết Nguyên đán, khẳng định đây là mô hình có khả năng suy luận tốt hơn, tốc độ xử lý nhanh hơn và mức độ chính xác vượt trội so với DeepSeek V3.
Với những điều này khiến mình nhận ra rằng cuộc đua công nghệ AI toàn cầu đang ngày càng khốc liệt, với tham vọng không chỉ dừng lại ở việc tạo ra công cụ thông minh mà còn định hình cả tương lai trí tuệ nhân tạo.
Khi các công cụ AI không ngừng phát triển, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng, mình nhận ra rằng chúng ta dễ rơi vào trạng thái “không cần tư duy nhiều mà vẫn có kết quả đủ tốt.” Trước đây, mình cũng từng tin như vậy, gần như bất cứ vấn đề gì mình đều đẩy thẳng lên các con bot để chúng tự động xử lý, rồi chỉ cần chỉnh sửa đôi chút là xong. Từ viết email cho đồng nghiệp đến các bài báo cáo..
Mình tưởng rằng mình đã hiểu tốt trong việc “Người biết sử dụng AI, sẽ năng suất và làm việc tốt hơn những người không sử dụng”. Nhưng đây là một cú ngã rất đau khi đứng trước những người chuyên môn hơn, họ chỉ cần vài lời là mình đã không còn biết nói những gì và khi đó mình đã phải suy nghĩ lại rất nhiều về việc này. Tất nhiên sử dụng AI sẽ không xấu, nhưng lạm dụng quá nhiều vào nó sẽ khiến chúng ta bị thụ động trước mọi thông tin quan trọng trong cuộc sống. Dần bản thân cũng sẽ không còn buồn đọc để chỉnh lại những gì con AI viết nữa và về sau những thông tin mà mình đưa ra chỉ là trí thông minh nhờ vào trí tuệ của mấy con bot.
Và hậu quả về sau sẽ là..
Chuyên gia máy tính Paul Graham cho rằng trí tuệ nhân tạo AI mở ra kỷ nguyên mới, nhưng có thể khiến con người mất khả năng viết lách và tư duy.
…
Trên blog cá nhân, chuyên gia máy tính kiêm doanh nhân Mỹ Paul Graham, 60 tuổi, đặt ra viễn cảnh nếu AI có thể viết thay con người, liệu nhân loại có mất khả năng tư duy.
Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm của ông Paul Graham:
"Tôi thường do dự khi đưa ra những dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin khi nói điều này: Trong vài ba chục năm nữa, sẽ chẳng còn mấy ai biết viết.
Bạn đọc bài viết ở đây.
Và mình thật sự không muốn chịu cảnh bản thân phải liên tục tiêu thụ thức ăn nhanh và dễ dãi chấp nhận số lượng nội dung kém chất lượng mà con bot mang lại. Trong cái thế giới mà số đông dễ chạy theo những nội dung hào nhoáng, giải trí nhanh gọn, thì người tỉnh táo thường là thiệt thòi. Những ai dành thời gian làm content chỉn chu, đặt tâm vào từng câu chữ thường nhận về ít like, ít share, và cũng ít được follow hơn.
Vậy làm thế nào để bạn trở nên khác biệt trước hàng ngàn các con AI? Đối với mình kỹ năng đọc hiểu và tự mình viết nhiều thì mới làm chủ được trước những cám dỗ từ công nghệ mang lại.
Vì sao kỹ năng đọc và viết vẫn rất quan trọng?
Nhiều bạn hỏi mình làm sao để duy trì được kỹ năng viết tốt và có thể tự tin trình bày những kiến thức của bản thân trước đồng nghiệp, thầy cô.. Đó chỉ đơn giản là mình đọc nhiều nghiền ngẫm sâu về vấn đề đó và viết nó thành kiến thức của mình hiểu và từ đó khi mình sử dụng AI thì mình mình vẫn kiểm soát được nội dung nó gửi lại cho mình để chỉnh sửa phù hợp.
Đặc biệt đối với một người đang trong một giai đoạn rất quan trọng của độ tuổi còn tập sự, độ tuổi cũng đang dần lớn và chuẩn bị phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước mắt, học tập lẫn công việc. Nếu không đủ minh mẫn sẽ dễ dàng bị cuốn theo vòng xoáy của AI đem lại, hãy nghĩ rằng nếu bạn không tự đọc và viết nhiều thì khi bạn nhờ con bot viết bài cho mình, bạn cũng không hiểu nó đang viết gì để mà sửa. Hậu quả sẽ như mình nói về sau này bạn cũng sẽ không muốn đọc và chỉnh lại nữa.
Mình tin rằng những nhà lãnh đạo họ vẫn sẽ trả tiền cao cho những cá nhân đem lại được nhiều nội dung giá trị và giải quyết được nhu cầu mong muốn của khách hàng, tạo được nhiều chuyển đổi cho công ty. Những sản phẩm, nội dung chất lượng thấp, số lượng nhiều thì các con bot đã làm được rồi.
Đó là lý do mỗi ngày mình đều nỗ lực tự viết thật nhiều, thậm chí viết lại những gì đã có, để trước hết mình được cảm nhận và thấu hiểu, sau đó khắc sâu vào trí nhớ, cuối cùng biến nó thành một phần của chính mình.
Vậy nếu các chưa biết đọc và viết từ đâu như thế nào cho hiệu quả thì mình có vài gợi ý cho các bạn, tất cả những gì mình chia sẻ dựa trên những quan sát và kiến thức mình tự học đúc kết lại vì vậy không tránh được sai sót, các bạn góp ý cho mình sửa bài đọc trở nên tốt hơn nhé!
1. Đọc như thế nào và nên đọc những gì?
Mỗi sáng sau khi thức dậy, mình dành khoảng 1,5 giờ để cập nhật tin tức và đọc sách. Có ngày mình đọc báo để nắm bắt thị trường, có ngày xem tin tức trên YouTube, hoặc lướt LinkedIn để theo dõi xu hướng marketing. Việc duy trì thói quen này giúp mình bắt đầu ngày mới với nhiều thông tin giá trị và thoải mái hơn trước khi bắt đầu vào làm việc.
Bạn có thể xem qua Mình xem và đọc gì mỗi khi rảnh rỗi?
Đọc gì cũng vậy, bạn không chỉ đọc sơ qua và chưa nắm được vấn đề mà vội đi đọc cái khác. Đọc một bài blog thì cũng phải nghiền ngẫm xem ý tác giả đang muốn nói điều gì, họ đang muốn truyền tải thông điệp gì cho chúng ta. Đọc vài bài tin tức hot thì cũng chưa vội kết luận rằng nó đúng, hay chỉ là một góc nhìn trong vô số góc nhìn? Bạn tự đi kiểm chứng rằng xem nó có chính xác không ở nhiều nguồn để rèn luyện tư duy phản biện không bị kéo theo một chiều.
Bản thân mình trước đây tiêu thụ nội dung ngắn rất nhiều, khi nhận thức được tác hại mà thức ăn nhanh mang đến, mình thay đổi thói quen lại hoàn toàn. Ở những thời gian ban đầu mình gặp rất nhiều khó khăn trong việc đọc, khi đọc các bài blog và xem video dài, đọc sách mình đều chán ngấy khi ngồi chưa quá 15p là đã cảm thấy lười và mệt mỏi.
Và mình đã cải thiện chúng như sau:
Để chế độ điện thoại không làm phiền
Đọc những chủ đề mình thích
Đọc xong rồi thì ngẫm lại
Soạn trước những gì cần đọc vào tối hôm trước ( Bởi vì mình muốn tiết kiệm thời gian tránh bị xao nhãng, ngủ dậy và chỉ việc bật nó lên đọc. Còn dư thời gian thì đọc tiếp những cái khác )
Những nội dung hay bạn đem vào một kho lưu trữ rồi cuối tuần tổng kết lại những nội dung đó và phân loại. Bạn xem qua bài viết ở đây để tham khảo cách mình lưu trữ thông tin.
Thấy những nội dung nào hay note lại vào một task riêng, để mỗi khi mình viết bí idea thì mình cũng đã có kho mình hay note, mở ra và xem lại để tìm cảm hứng.
…
Đọc gì cũng vậy hãy cho mình thời gian nghiền ngẫm, dần bản thân sẽ thấy được mình ở trong chính câu chuyện..
2. Thực hành viết
Mình duy trì việc viết mỗi ngày cũng được 1 năm nay rồi, và thật sự đã cải thiện được cho mình rất nhiều điều. Khi viết bạn được sắp xếp lại suy nghĩ, những nội dung mà bạn đọc được trong ngày và được bạn hệ thống lại thêm một lần nữa giúp bạn ghi nhớ sâu hơn.
Ở bước đầu bạn có thể viết daily ghi chú mỗi ngày và tổng kết tuần cũng là cách để bạn biến những dự định đầu năm thành kết quả hiện thực ở cuối năm, thay vì để nó lạc trôi và nuối tiếc.
Daily ghi chú mình thường viết như sau:
Beginning of day: Ở đây bạn cũng không cần ghi quá dài, ghi những ý trọng tâm.
Ghi lại các công việc cần làm trong hôm nay ( và chắc chắn rằng tối hôm trước bạn đã tự soạn ra công việc hôm nay rồi, việc ghi lại các công việc hôm nay chỉ để xem mình có dự định thay đổi hoặc thêm bớt công việc nào không )
Cảm giác của bạn sau khi viết xong
Những khó khăn mà bạn có thể gặp phải trong ngày
Câu note hay trong ngày để khích lệ bản thân
End of day
Tổng kết lại ngày, những gì bạn học được trong ngày, những gì bạn chưa làm được. Thông tin quan trọng nào trong ngày bạn đã lưu trữ được.
Đưa ra những công việc mà bạn cảm thấy cần làm nhất vào ngày mai
Về tổng kết tuần bạn có thể tham khảo bài dưới đây:
Tổng kết tuần là bất cứ điều gì bạn làm để tự làm trống đầu óc của mình. Nó bao gồm thu thập, xử lý, sắp xếp, và hành động dựa trên bức tranh tổng quan về toàn bộ những gì bạn tiếp nhận từ thế giới bên ngoài và bên trong bạn trong một tuần vừa qua.
…
Tổng kết tuần là chiếc cầu giúp tôi kết nối những công việc hằng ngày với những ưu tiên lớn hơn trong cuộc sống. Nó giúp tôi lấy lại động lực những khi tôi dao động, chán nản, hoặc thất vọng vì công việc không như ý. Nó giúp tôi nhận ra nhanh hơn, sớm hơn những việc tôi cần làm, nhưng đã trì hoãn quá lâu vì thiếu can đảm hoặc quyết tâm. Nó giúp tôi tự tin hơn với những việc tôi quyết định sẽ làm, không làm, hoặc có thể sẽ làm. Và quan trọng hơn hết là, tôi hài lòng và hạnh phúc hơn với bất kỳ điều gì tôi đạt được trong một tuần.
Bạn đọc qua bài viết ở đây.
Hai thói quen này rất quan trọng đối với những người thường viết như mình, hệ thống thông tin một cách nhanh gọn và vẫn đảm bảo không bị dao động, mất phương hướng và đi đúng với mục tiêu trong năm của mình.
Ở bước thứ hai là thực hành viết dài, và ở đây mình tin rằng các bạn ai cũng sẽ có những mục đích viết khác nhau. Vì vậy xác định mục đích viết của bạn là để làm gì? Viết để hệ thống lại suy nghĩ, xây dựng thương hiệu cá nhân, viết để lưu trữ… Dù mục tiêu cuối cùng của bạn là gì thì xác định mục tiêu rõ ràng để tránh bị lan man mỗi khi bạn viết và chỉ tập trung vào một chủ đề nhất định.
Sau đây là cách mà mình đã xác định đề tài trước khi viết:
Để xây dựng một thói quen viết lách bền vững, hãy bắt đầu bằng việc xác định điểm mạnh và sở thích của chính mình. Điều này không chỉ giúp bạn duy trì động lực mà còn tạo ra sự khác biệt trong cách bạn truyền tải thông điệp. Khi bạn viết về những gì bạn giỏi hoặc yêu thích, nội dung sẽ tự nhiên trở nên chân thực và sâu sắc hơn. Độc giả cũng nhận ra sự nhiệt huyết trong từng câu chữ.
Bạn muốn viết về ngách nào, có hàng ti tỉ thứ ngoài kia nếu bạn không tập trung vào một ngách nhất định, dần bạn sẽ bị lan man và cũng không biết người đọc họ mong muốn điều gì. Một thương hiệu cá nhân rõ ràng sẽ giúp bạn nổi bật giữa đám đông. Độc giả sẽ nhớ đến bạn như một nguồn thông tin đáng tin cậy trong lĩnh vực cụ thể.
Hiểu rõ được bài mình viết để làm gì, đối tượng mà bạn muốn nhắm đến là ai? Họ cần điều gì? Nội dung của bạn có giải quyết được nhu cầu, mong muốn của họ? Khi bạn viết với một nhóm độc giả cụ thể trong tâm trí, nội dung sẽ trở nên gần gũi và hữu ích hơn. Điều này cũng giúp tăng khả năng tương tác và lan tỏa.
Chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng. Thay vì cố gắng viết nhiều chủ đề khác nhau để cố tỏ ra mình biết rất nhiều nhưng không sâu vào một cái gì, hãy dành thời gian nghiên cứu và đào sâu vào một lĩnh vực mà bạn thực sự đam mê hoặc đó chỉ là sở thích cá nhân. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng một cộng đồng độc giả trung thành và tạo ra tác động lâu dài.
Nếu bạn quan tâm ở những bài sau mình sẽ chia sẻ cách mình thường chọn đề tài khi viết.
Tóm lại, khi bạn viết, bạn không chỉ học và hiểu sâu hơn về nội dung mình tạo ra mà còn rèn luyện khả năng tư duy rõ ràng (clear writing, clear thinking), biết cách điều chỉnh AI để phục vụ ý tưởng của mình, sửa chữa bài viết để vượt qua giới hạn của công cụ, đồng thời tổ chức suy nghĩ mạch lạc để loại bỏ những ý tưởng yếu kém, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng nội dung.
Lời kết
Trong thời đại AI phát triển mạnh mẽ, việc duy trì thói quen đọc sâu và viết thường xuyên không chỉ giúp chúng ta làm chủ kiến thức, mà còn tránh được nguy cơ thụ động trước thông tin và mất đi khả năng tư duy độc lập, từ đó tạo ra nội dung chất lượng và xây dựng giá trị cá nhân một cách bền vững.
Chỉ khi tự mình nghiền ngẫm và sáng tạo, chúng ta mới có thể vượt qua cám dỗ của công nghệ, giữ vững tư duy phản biện và đóng góp những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng.
MỘT VÀI BÀI ĐỌC HAY TRONG TUẦN
Nếu anh sắp tốt nghiệp đại học - Bài đọc rất hay muốn đưa đến các bạn, đây là một bài đọc chắc chắn sẽ còn giúp mình rất nhiều trong quá trình theo đuổi sự nghiệp.
Nếu anh được quay lại năm cuối đại học, trước khi bước chân vào thị trường lao động, đây sẽ là cách anh sẽ suy nghĩ về công việc và sự nghiệp.
Thứ nhất, em nên hiểu mình muốn gì từ công việc đầu tiên của mình. Anh nghĩ, những thứ công việc có thể cho mình cũng chỉ rơi vào 5 phạm trù dưới đây:
Tiền: công việc đó trả lương cho em quá bèo, đủ sống, dư dả, hay sẵn sàng khiến em hy sinh nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống để làm nó?
Tiếng (Status): khi nói em đang hoặc đã làm ở X, người ta nhận ra tên công ty em ở level không ai biết - vài người biết - nổi toàn quốc - hay nổi toàn cầu? Đó là tiếng tốt hay tiếng xấu?
Chất (Substance) aka Kiến thức và Kỹ năng: sau 2 năm làm ở vị trí X ở công ty Y, kiến thức và kỹ năng của em sẽ được cải thiện gấp đôi, gấp 10, gấp 100, hay không đáng kể (thậm chí là còn tụt lùi)? Những kỹ năng em học được có transferable (áp dụng trong nhiều ngành nghề - như phân tích dữ liệu) không, hay đó là những kỹ năng rất cụ thể (như kiểm soát không lưu)? Quan trọng nhất, ngoài chuyện transferable, những kiến thức và kỹ năng đó có nhu cầu trong tương lai (ít nhất là 5-10 năm tới) không?
Quan Hệ (Network): Ai là những người em sẽ được làm việc và học hỏi cùng?
Lối Sống (Work-Life Balance): Em sẽ dành trung bình 50% quãng đời trưởng thành cho công việc, vậy nên hãy tự hỏi: Công việc có cho em sống cuộc đời mà em muốn sống không? (think long term here!)
Gen Beta: Nhân chứng sống của thời từng là viễn tưởng
Thử tưởng tượng một ngày của các bạn nhỏ Gen Beta sẽ ra sao trong khoảng hai thập niên tới. Sáng dậy có các robot đánh thức và chuẩn bị sẵn quần áo, đồ ăn để đến trường. Đi học, đi làm bằng phương tiện giao thông tự động quy mô lớn.
Sức khỏe được kiểm soát bởi công nghệ đeo được có hiển thị chỉ số cụ thể và các nhắc nhở cần thiết. Giải trí bằng các trò chơi trong môi trường thực tế ảo sắc nét. Cần vận chuyển hàng hóa có drone lo.
…
Giải thích ngắn gọn và hài hước về DeepSeek
SemiAnalysis như nhà phê bình ẩm thực khẳng định rằng DeepSeek đang có một vị trí đáng nể trên bản đồ AI toàn cầu, nhưng hành trình phía trước vẫn đầy thử thách và đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng.
Trong tuần vừa qua mình bận khá nhiều nên chỉ đọc bài blog, ít cập nhật tin tức lắm. Chúc các bạn cuối tuần có nhiều năng lượng và thật nhiều sức khoẻ nhé! Hẹn gặp các bạn vào bài đọc kế tiếp.
Hoàng Tiến!
10 điểm
Chời ơi ai dậy, bữa nay viết tốt quá 🙌🙌